Loãng xương thuộc phạm vi chứng cốt nuy trong y học cổ truyền. Bệnh có liên quan tới 3 tạng phủ là thận, tỳ, can, trong đó, tạng thận chủ cốt tủy, nếu thận suy thì không sinh tinh, không nuôi dưỡng được xương nên mật độ xương giảm dần, xương trở nên mỏng hơn, xốp hơn, ngày càng suy yếu và dễ gãy… Trong Đông y, chữa loãng xương chủ yếu bổ can thận, dưỡng khí huyết, làm mạnh gân cốt. Tùy từng nguyên nhân mà dùng món ăn bài thuốc phù hợp.
Những vị trí hay bị gãy do loãng xương.
Thận âm hư tổn
Biểu hiện: lưng đau, gối mỏi, nhức các đầu ngón tay và chân, lòng bàn tay, bàn chân nóng, môi khô, rụng tóc, ù tai, mắt kém, triều nhiệt, tâm phiền, đại tiện táo kết.
Dùng bài: đậu đen 500g, sơn thù, bạch linh, đương quy, tang thầm, thục địa, bổ cốt chỉ, thỏ ty tử, hán liên thảo, ngũ vị tử, kỷ tử địa cốt bì, vừng đen mỗi vị 10g. Đậu đen để riêng rửa sạch, ngâm nước ấm trong 30 phút. Các vị thuốc trên đem sắc kỹ lọc bỏ bã lấy 400ml nước, cho đậu đen vào, thêm muối ăn khoảng 50g, đun sôi rồi cho lửa nhỏ cho đến khi cạn nước. Lấy đậu đen ra phơi hoặc sấy khô, dùng dần. Ngày ăn với lượng tùy thích.
Can thận âm hư:
Biểu hiện: người gầy yếu, hay hoa mắt chóng mặt, mắt mờ, nghe kém, móng chân, móng tay khô giòn, hay bị chuột rút, tinh thần bứt rứt không yên.
Dùng bài: tang thầm 30g, kỷ tử 30g, gạo tẻ 100g. Các vị thuốc rửa sạch đem nấu với gạo thành cháo, thêm chút đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày.
Tỳ thận dương hư:
Biểu hiện: lưng đau gối mỏi, cơ thể yếu mệt, chân tay lạnh, không có lực, liệt dương ở nam giới, phụ nữ kinh nguyệt không đều, đầu choáng mắt hoa, tiểu đêm nhiều lần, đại tiện lỏng.
Dùng bài: tủy xương sống lợn 100g, đẳng sâm, thỏ ty tử, thục địa mỗi thứ 5g. Tủy lợn rửa sạch, các vị thuốc thái vụn, tất cả đem hấp cách thủy, thêm gia vị, ăn nóng.